LÀNG CHÀI HÀM NINH



Khám Phá Làng Chài Hàm Ninh, một ngôi làng nằm nép mình dưới chân núi Hàm Ninh, thuộc địa bàn xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Hàm Ninh là ngôi làng cổ, hoang sơ với những mái nhà tranh, vách tre giản dị. Người dân trong làng sống bằng nghề bắt ngọc trai, hải sâm, và giăng lưới. Hàm Ninh ngày nay còn được biết đến với cầu cảng Bãi Vòng, những bãi biển xinh đẹp và nhiều thứ hải sản độc đáo.

Không ai biết ngôi làng này có tự bao giờ, chỉ biết rằng, khi đảo Phú Quốc còn hoang vắng, một số cư dân từ xa đến đây khai thác hải sản, rồi lập làng sinh sống. Khi cửa biển Dương Ðông vang tiếng sóng thì Hàm Ninh là bến đậu ghe yên tĩnh và an toàn. Các ghe buồm, ghe bầu từ đất liền đến cập bến ở đây để lên hàng hoá rồi chở hải sản đi.



Thời Minh Mạng, Hàm Ninh là thôn thuộc tổng Phú Quốc, huyện Hà Châu, phủ An Biên, tỉnh Hà Tiên. Trải qua thời Thiệu Trị, Tự Đức, đến đầu thời Pháp thuộc, Hàm Ninh thuộc hạt Kiên Giang, rồi Rạch Giá, rồi Hà Tiên. Từ ngày 25-05-1874, Hàm Ninh thuộc hạt Phú Quốc. Từ ngày 16-06-1875, Hàm Ninh thuộc hạt Hà Tiên. Từ ngày 05-01-1876, gọi là làng thuộc hạt Hà Tiên. Từ ngày 20-08-1888, đổi thuộc hạt Châu Đốc. Từ ngày 27-12-1892, lại thuộc hạt Hà Tiên.
Từ ngày 01-01-1900, làng Hàm Ninh thuộc tỉnh Hà Tiên. Từ ngày 09-12-1913, đổi thuộc tỉnh Châu Đốc. Từ ngày 19-07-1921, làng Hàm Ninh thuộc quận Phú Quốc, tỉnh Hà Tiên. Sau năm 1956, Hàm Ninh là xã thuộc quận Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Sau 30-04-1975, thuộc huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ngày 17-02-1979, tách hai ấp Bãi Thơm, Hòn Một nhập vào xã Cửa Cạn; tách ấp Rạch Hàm nhập vào xã Dương Tơ; xã Hàm Bình đổi tên thành xã Bãi Bổn. Sau đó lấy lại tên Hàm Ninh. Ngày 24-04-1993, tách một phần đất xã Hàm Ninh hợp với một phần đất tách ra từ xã Cửa Cạn để lập xã mới Bãi Thơm.



Làng chài Hàm Ninh nằm trên bờ biển phía Ðông đảo, sau lưng là núi rừng, trước mặt là biển cả mênh mông. Biển Hàm Ninh ra xa vài trăm thước mà vẫn còn cạn. Khi nước ròng, bãi cát mênh mông chạy tít ra xa, lúc nước lên, tràn ngập bãi, vào tận mé rừng. Ðứng trên bãi Hàm Ninh, nhìn ra xa có thể thấy quần đảo Hải Tặc; chệch về Ðông Nam, hòn Nghệ mờ mờ trên làn nước biếc; phía Nam là mũi Ông Ðội - mũi đất cuối cùng của đảo
.


Ấn tượng đầu tiên khi đến mảnh đất này là bạn sẽ được chiêm ngưỡng ngọn núi Hàm Ninh 300m cao ngất. Đá chồng đá, dựng đứng rêu phong tạo nên một vùng mây khói hòa giữa màu xanh của núi rừng và biển trời mênh mông Phú Quốc.



Tại đây, ngày nay còn lưu giữ truyền thuyết về ông Đạo Đụn. Chuyện kể rằng, ngày xưa có ông lão sống trong hang đá trên đỉnh núi này làm nghề rẫy trồng chuối, thỉnh thoảng ông đem chuối chín xuống núi treo giữa ngã ba đường để khách đi đường ăn cho đỡ đói. Khách bộ hành có gì muốn cho ông cũng đem đến đó treo. Sau một thời gian, khi mọi người không thấy ông xuống núi thì tìm đến hang đá và phát hiện ông đã chết từ lâu, bộ xương của ông trắng tinh xếp ngay ngắn. Mọi người cho rằng ông Đạo Đụn đã thành tiên nên đã biết trước ngày giờ mình ra đi vào cảnh tiên giới.



Thăm Hàm Ninh vào sáng sớm hay vào những đêm trăng thì mới thưởng ngoạn hết vẻ đẹp của vùng biển này. Tại đây du khách sẽ được thưởng thức cảnh nhật nguyệt trôi bồng bềnh trên mặt biển. Ðến đây mà chưa thưởng thức ghẹ luộc thì coi như chưa trọn vẹn. Ghẹ là đặc sản vùng.
Làng chài Hàm Ninh nằm trên bờ biển phía Ðông đảo, sau lưng là núi rừng, trước mặt là biển cả mênh mông. Dân cư tập trung ven bờ rạch Hàm.


Ðến Hàm Ninh như người hoài cổ trở lại làng xưa. Cuộc sống ở đây gần như còn giữ nguyên vẻ hoang sơ với nhà tranh vách tre tạm bợ. Nghề chính vẫn là nghề lặn ngọc trai, bắt hải sâm (đồn đột) và giăng lưới ghẹ.



Với cái sống thanh bình trải qua hàng trăm năm của làng chài Hàm Ninh, Ngôi làng bám biển quanh năm sống bằng những hải vật đánh bắt được. Cuộc sống nghèo là vậy nhưng họ vẫn bám với nơi này. Vì đây là quê hương mà họ đã sinh ra và lớn lên từ bao đời.
Nếu một lần đến đây bạn đừng quên chọn mua những con ghẹ Hàm Ninh nổi tiếng chắc thịt đang còn lội tươi rói, đem hấp chấm muối tiêu vừa thưởng thức vừa ngắm biển Hàm Ninh đẹp rực rỡ năng vàng.

Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét